Với mức giá đã lên cao và không còn tiềm năng, nhiều nhà đầu tư phải đi tìm kiếm một thị trường khác. Đó chính là cửa ngõ phía Tây TP.HCM.
Hạ tầng được đầu tư
Thị trường bất động sản trong thời gian gần đây ghi nhận sự bùng nổ ở khu Đông Sài Gòn, đặc biệt là những khu vực giáp ranh là Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, một thực tế thị trường khu Đông Sài Gòn đang rơi vào tình trạng bão hòa. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm một thị trường khác phù hợp, sinh lời hơn.
Khu Tây Sài Gòn đang nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư. Đã có một bộ phận nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận ở khu Tây Sài Gòn. Theo quan sát, khu phía Tây đang thu hút giới đầu tư với nhiều dự án được triển khai, quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông đầu tư mạnh.
Vấn đề hạ tầng chính là yếu tố quyết định cho bất động sản khu Tây.
Cụ thể, hạ tầng khu Tây ngày càng hoàn thiện với nhiều công trình giao thông đáng chú ý như: Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cầu vượt An Sương, các tuyến cao tốc 10 tỉ USD TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) và TP.HCM – Cần Thơ, các tuyến Metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên), số 5 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn)…
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ thực hiện khởi công nhiều công trình ở khu Tây như: Dự án cầu Kênh A, cầu Kênh B và hệ thống thoát nước Hương Lộ 11 ở Bình Chánh, đường Trần Văn Giàu thuộc quận Bình Tân.
Lợi thế sẽ rõ nét hơn khi các tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, tuyến metro số 6 Bình Phú kết nối giữa tuyến metro số 3A Bến Thành – bến xe miền Tây tại vòng xoay Phú Lâm và tuyến metro số 2 tại Bà Quẹo hoàn thành.
Ngoài các tuyến metro, TP.HCM cũng chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 3, giúp giao thông khu Tây Sài Gòn kết nối với các quận nội thành và Bình Dương, Đồng Nai, Long An thuận tiện hơn.
Một lợi thế khác mà khu Tây đang sở hữu là có các bệnh viện vệ tinh như: Nhi Đồng 3, Chợ Rẫy 2, Khu y tế kỹ thuật cao TP.HCM… Các trung tâm thương mại, hệ thống hạ tầng cũng được đầu tư hoàn chỉnh.
Bênh cạnh đó, trong 30 năm qua, TP.HCM cũng đã thực hiện nhiều dự án chỉnh trang, tái thiết một số khu đô thị cũ ở khu Tây. Từ đó, dẫn đến những thay đổi tích cực cũng như diện mạo ở khu vực này. Điển hình, dự án đầu tiên là khu dân cư Xóm Cải, phường 8, quận 5, tiếp theo là đã chỉnh trang thành công một số khu vực đô thị tại các quận nội thành, mà điển hình là công tác chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch thuộc lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Tàu Hũ – Ruột Ngựa; Tân Hóa – Lò Gốm; Kênh Tẻ – Kênh Đôi; kênh Hàng Bàng; kênh Tham Lương-Rạch Bến Cát-Vàm Nước Lên; Xây dựng lại một số chung cư cũ bị hư hỏng nặng và tái định cư các hộ dân, tạo được diện mạo đô thị mới…
Nhà đầu tư quan tâm
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây xuất nhiều nhà đầu tư đang trở lại khu Tây để tìm kiếm những phương án đầu tư bất động sản. Qua ghi nhận, giá bất động sản ở một số nơi ở khu Tây vẫn còn thấp so với những khu vực khác của TP.HCM.
Bất động sản khu Tây TP.HCM hiện vẫn còn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư.
Chị Nguyễn Thị Linh (ngụ quận 3), một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ, khu Tây có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa có một cú hích để đột phá. Đơn cử, khu vực huyện Hóc Môn, Củ Chi quỹ đất còn rất dồi dào, tuy nhiên ít nhận được sự quan tâm.
“Có nhiều lý do khiến thị trường khu Tây không nóng, sốt như khu Đông. Tuy nhiên, nhìn về tương lai thì khu vực nay đáng để đầu tư và quan tâm. Bởi vì, khi quỹ đất ở khu vực trung tâm thành phố dần hết thì việc di chuyển ra khu vực vùng ven là điều tất nhiên. Việc quan tâm hiện nay của người đầu tư là thành phố đầu tư như thế nào về hạ tầng ở khu vực này mà thôi…”, chị Linh cho hay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng vào khu Tây để đón đầu cơ hội khi hệ thống cơ sở hạ tầng tiện ích được nâng cao, bất động sản ở đây đang thể hiện cơ hội phát triển rõ nét.
Theo ghi nhận, giá đất khu Tây tại thời điểm này còn rẻ hơn nhiều so với các khu vực khác ở TP.HCM. Theo đó, giá đất ở khu Tây hiện ở mức 25-35 triệu/m2, so với quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè đang ở mức 40 triệu/m2, còn trung tâm như quận 7, quận 2 khoảng 70 – trên 100 triệu/m2.
Theo các chuyên gia, bất động sản khu Tây đang dần thu hút các nhà đầu tư khi tuyến metro số 2 được dự kiến sẽ sớm khởi động. Các dự án tại đây có tính thanh khoản và sinh lời tương đối tốt.
Từ dữ liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, tại các khu vực như quận 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú và Tân Bình được xem là vùng trũng với giá đất cạnh tranh và giá căn hộ thấp nhất đô thị, nay ghi nhận giá bình quân căn hộ ở 1.202,42 USD/m2.
Mức giá này đã tăng trung bình 13,37%/năm khiến nhiều nhà đầu tư đã có lợi nhuận. Đặc biệt là ghi nhận biên độ tăng giá của một số dự án nhà phố, căn hộ tại khu vực quận 8.
Theo khảo sát, mức độ biến động giá BĐS khu Tây Sài Gòn rơi vào ngưỡng trung bình từ 20-25%/năm. Lúc thị trường diễn biến tốt, ở các dự án có lợi thế mặt tiền đường lớn giá có thể tăng lên mức 35%/năm.
Trong khi đó, nguồn cung chỉ ghi nhận ở mức rất khiêm tốn. Báo cáo thị trường mới nhất của DKRA chỉ ra, nguồn cung theo khu vực đang có sự chênh lệch rất lớn giữa khu Đông và Tây.
Cụ thể, khu Đông với sức nóng mang tên thành phố Thủ Đức vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường với 77,6%. Trong khi đó, khu Tây chỉ chiếm 5,9%, tức thấp hơn 13 lần. Thậm chí, dự báo quý IV, toàn thị trường sẽ đón nhận nguồn cung khoảng 7.000 căn, song vẫn tập trung chủ yếu ở khu Đông và Nam, khu Tây tiếp tục “vắng bóng”.
Báo cáo thị trường của DKRA cũng chỉ ra, tỷ lệ tiêu thụ chung ở khu Tây duy trì mức rất cao, mỗi khi ra dự án mới luôn đạt từ 80 – 90%. Dễ thấy, nhu cầu về nhà ở của khu Tây còn đang rất lớn, những dự án đáp ứng nhu cầu ở thực được người mua ráo riết tìm kiếm.