Đây là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế trăn trở tại Hội thảo “Cơ hội sở hữu nhà cho giới trẻ”, do báo Tiền Phong tổ chức sáng nay tại Tp.HCM.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay chính là việc gia tăng nhu cầu nhà ở của giới trẻ, những người có thu nhập thấp. Ở Việt Nam, giới trẻ có độ tuổi từ 25 -35 có nhu cầu nhà ở rất cao. Mỗi năm tại Tp.HCM có hơn 50.000 cặp kết hôn mới nên nhu cầu cần nhà rất cao nhưng để sở hữu được căn nhà, căn hộ giá tầm trung thì rất khó khăn đối với những cặp đôi trẻ này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, người trẻ thường yếu tài chính nhưng bất kỳ ngân hàng nào cũng có những quy định riêng của mình nhằm bảo toàn nguồn vốn vay, hạn chế rủi ro. Do vậy, mọi ngân hàng đều bắt người đi vay phải chứng minh nguồn thu nhập, trong khi đây là “cửa ải” khó nhất không phải ai cũng vượt qua được.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, các cặp vợ chồng trẻ nên bắt đầu kế hoạch mua nhà bằng việc hoạch định tài chính cá nhân. Bằng cách căn cứ vào mức thu nhập của cả hai vợ chồng để tính toán những khoản chi tiêu hằng tháng, đồng thời xác định số tiền có thể tiết kiệm hằng tháng dành cho việc mua nhà là bao nhiêu. Trên cơ sở đó, ước lượng giá trị và lựa chọn căn hộ phù hợp với khả năng tài chính của mình.
“Tốt hơn hết cả hai vợ chồng phải có nguồn thu nhập ổn định, khoảng từ 16-20 triệu đồng/tháng, kèm theo một khoản thu nhập từ nguồn chính thống nào đấy. Theo tôi, những người này cần phải chi ra khoảng 40% trong tổng thu nhập hàng tháng mới có đủ điều kiện tậu nhà cửa”, ông Hiển phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, trước khi quyết định mua nhà, những bạn trẻ phải chú ý đến các điều quan trọng như khả năng có thể chịu được lãi suất tăng trong một giai đoạn nào đấy. Chính vì thế, mọi người phải chuẩn bị được nguồn tài chính dự phòng cho những trường hợp như thế này. Thứ hai, trường hợp thu nhập của mình có thể sụt giảm, sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ vay. Do đó, một nguồn vốn “đối ứng” cũng phải được tính kỹ để không rơi vào khủng hoảng.
Thứ ba, khi mua nhà, với số tiền ích ỏi thì người trẻ trước hết chọn những căn nhà có dịch tích vừa phải, đừng quá lớn so với số tiền hiện có. Mọi người trẻ nên chọn mua những dự án có kết nối hạ tầng tốt, dù có cách xa trung tâm thành phố, bởi có thể kết hợp cả mục đích đầu tư về sau.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đưa ra một giả định rằng cả hai vợ chồng có thu nhập cố định khoảng 20 triệu đồng/tháng, với tỷ lệ tăng thu nhập 6% hàng năm. Trong đó, tỷ lệ dành trả góp ở mức 30%, nếu tiết kiệm nhiều thì 40% là hợp lý nhất; giá mua căn hộ khoảng tỷ đồng; tỷ lệ vay mua căn hộ là 70% với lãi suất 8%/năm, số năm trả hợp lý là 12 năm. Như vậy, tổng vốn và lãi phải trả mua nhà là 1,115 tỷ, so với tổng thu nhập dành trả góp là 1,146 tỷ đồng. “Như vậy, người trẻ phải tằn tiện ghê lắm thì mới có đủ khả năng mua nhà”, ông Hiền nói.
Ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank, cũng cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam luôn gặp nhiều bất ổn từ nền kinh tế vĩ mô, biến động tài chính nên tạo nhiều rủi ro cho người vay tiền ngân hàng dài hạn mua nhà. Hiện thời gian cho vay tối đa là 25 năm, đây là điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận dự án BĐS. Với chương trình này thì người đi mua chỉ cần trả trước 20% số tiền là có thể mua được nhà thay vì ở thuê. Trong kinh nghiệm cho vay khách hàng mua nhà. Mức an toàn nhất là khoảng 40% thu nhập dung để trả nợ, còn lại trang trải cho cuộc sống.
“Đối với việc mua căn hộ để cho thuê thì những khách hàng nào cảm thấy an toàn mới mua đầu tư. Bởi vì ở góc độ đầu tư, nếu tỷ suất lợi nhuận chỉ 10% là không hấp dẫn. Việc mua căn hộ để cho thuê với tỷ suất lợi nhuận như vậy thì cần cân nhắc về điều kiện cho thuê có ổn định lâu dài hay không, nếu chỉ đạt được trong thời gian ngắn thì càng không hiệu quả”, ông Hào cho biết thêm.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ