Sau những quy định về việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực, những quy định đó sẽ đảm bảo những quyền lợi của người mua nhà. Nhưng không thể nào kiểm soát hết tất cả quyền lợi của mọi người khi hàng loạt dự án chưa có bảo lãnh vẫn mở bán công khai.
Số dự án nhà ở được ngân hàng đứng ra bảo lãnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, những dự án chưa có bảo lãnh vẫn bất chấp quy định mở bán rầm rộ mà không bị bất kì hình thức xử phạt nào. Mặc dù việc “lách luật” huy động vốn diễn ra khá phổ biến, nhưng theo ông Quỳnh, việc chủ đầu tư và sàn giao dịch bán hàng bằng hình thức nhận đặt cọc mua nhà lại không vi phạm luật. Bởi hợp đồng mua bán chỉ được chủ đầu tư và khách hàng ký kết khi dự án đủ điều kiện bán nhà.
Đại diện chủ đầu tư một dự án trên địa bàn Hà Nội vừa chính thức trao chứng thư bảo lãnh cho khách hàng – cho biết, việc huy động vốn của một số doanh nghiệp khi dự án chưa đủ điều kiện bán hàng thời gian qua là có. Thậm chí, ngay cả khi các doanh nghiệp bất động sản rất ý thức trong việc giữ gìn và xây dựng uy tín, nhất là việc đảm bảo tiến độ dự án như hiện nay, thì khách hàng vẫn có thể gặp rủi ro.
Hiện này, rất nhiều khách hàng vẫn chấp nhận xuống tiền mua nhà ở các dự án chưa có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, tại TP.HCM đã có gần 7.000 căn hộ được giao dịch thành công
Việc mở bán các dự án khi chưa có bảo lãnh ngân hàng cũng không bị xử lý nên các chủ đầu tư vẫn vô tư vi phạm. Hơn nữa, nhiều dự án đã triển khai trước khi Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 sửa đổi có hiệu lực, hoặc đã mở bán một vài đợt trước đó, nên rất khó có được bảo lãnh của ngân hàng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 07 quy định các điều kiện cũng như công bố danh sách các ngân hàng thương mại đủ điều kiện thực hiện bảo lãnh.
Khi thực hiện giao dịch ở các dự án này, người mua nhà sẽ rất bất lợi, vì theo quy định, những hợp đồng khi chưa đủ điều kiện tiến hành giao dịch thì sau này sẽ là hợp đồng vô hiệu. Bên cạnh đó, khi chủ đầu tư không thể hoàn thiện được dự án thì người mua nhà sẽ rất khó đòi lại tiền. Trong bối cảnh quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm trong thực tiễn, thì người mua nhà cần phải cẩn trọng, tìm kiếm các thông tin pháp lý và kiểm tra dự án nhà ở đã có bảo lãnh ngân hàng hay chưa để tránh những rủi ro đáng tiếc sau này.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn khi xin bảo lãnh từ các ngân hàng thương mại vì các ngân hàng tự đưa ra 1 số tiêu chuẩn riêng, quy trình, thủ tục cũng mất rất nhiều thời gian. Một số dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, chưa có bảo lãnh của ngân hàng, nhưng do cần tiền huy động vốn để tiếp tục triển khai nên họ đã thực hiện sai các quy định của pháp luật.