Theo ước tính của thành phố Hà Nội, để đầu tư xây dựng đô thị hai bên đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân – Nội Bài) cần phải có số tiền khoảng 33.000 tỷ đồng nhưng ngân sách thành phố không có khả năng cân đối đáp ứng nên cần có các cơ chế đặc thù để thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, tuyến kết nối giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội và cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, để đầu tư xây dựng đô thị hai bên đường, thành phố Hà Nội ước tính nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng khung và giải phóng mặt bằng khoảng 33.000 tỷ đồng (vốn đầu tư hạ tầng khung khoảng 22.200 tỷ, vốn giải phóng mặt bằng 10.800 tỷ) đồng. Tuy nhiên, ngân sách của thành phố không có khả năng cân đối đáp ứng nên đã kiến nghị Thủ tướng thông qua một số cơ chế đặc thù để thực hiện.
Quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp vừa được Thủ tướng ban hành sẽ giúp huy động các nguồn lực đầu tư xã hội; thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng phát triển trục đô thị này.
Cụ thể, về nhà ở xã hội, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội căn cứ quy hoạch đô thị, khu vực phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, kế hoạch phát triển đô thị và nhu cầu thực tế bố trí nhà ở xã hội theo dự án riêng trong ranh giới khu vực phát triển đô thị hai bên tuyến đường, bảo đảm tỷ lệ diện tích theo quy định của pháp luật.
Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung, UBND thành phố Hà Nội xác định, huy động vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật đất đai và tiến độ triển khai các dự án.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung được huy động từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn ODA, vốn xã hội hóa theo quy định hiện hành.
Phối cảnh quy hoạch đô thị một phần hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội chủ động áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đối với từng dự án cụ thể, trong đó có hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án.
Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, UBND thành phố Hà Nội phải đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm (kỹ thuật, tài chính và quản lý) để thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng phải xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng tại thời điểm lựa chọn nhà đầu tư để làm căn cứ đề xuất, đàm phán. Giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp được xác định tại thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp thấp hơn giá đất đã đàm phán thì Nhà đầu tư nộp theo giá đất đã đàm phán.
Ngoài ra, căn cứ khu vực phát triển đô thị được phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội thực hiện thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm đối với các dự án phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị. Trường hợp Khu vực phát triển đô thị chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi thẩm định, phê duyệt các dự án phát triển đô thị.
Cuối cùng, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tổ chức thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về chủ trương đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng khung thuộc nhóm A.
Theo KIỀU CHÂU
BizLIVE